#40 - Bạn có đang đối xử như nhau giữa những đứa con?
Tất cả chúng ta đều luôn muốn đối xử với những đứa con của mình như nhau hoặc đảm bảo mọi thứ luôn công bằng. Nhưng điều đó có khả thi không?
Tất cả chúng ta đều luôn muốn đối xử với những đứa con của mình như nhau hoặc đảm bảo mọi thứ luôn công bằng. Nhưng điều đó có khả thi không? Thật sự là không. Ngay cả các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: bố mẹ đang nuôi dạy những đứa con của mình một các khác nhau cho dù họ rất cố gắng để công bằng, nhất quán và trao cho các con những quyền lợi như nhau. Sự khác nhau này đến nhiều nhất từ các yếu tố như tính khí của con, thứ tự sinh hay giới tính, .... Và mặc dù, sự khác biệt trong nuôi dạy những đứa con là điều không thể tránh khỏi và trong một số trường hợp là cần thiết (như nuôi dạy dựa trên tính khí), bố mẹ cũng cần nhận thức sự thật là “mình đang đối xử với các con khác nhau” để lập lại sự cân bằng trong một vài tình huống.
Những sự khác biệt đến từ đâu?
Sự khác biệt giữa nuôi dạy đứa con đầu tiên và đứa con thứ hai, thứ ba
Sự khác biệt trong cách nuôi dạy con cái dựa trên thứ tự sinh là chuyện hết sức tự nhiên. Với lần đầu tiên làm bố mẹ, chúng ta có thể lóng ngóng, lo lắng đủ thứ và đôi khi bảo vệ con quá mức. Chúng ta còn dồn hết thời gian và tâm sức lên con: đọc sách cùng con, ghi lại mọi khoảnh khắc, mọi mốc phát triển quan trọng của con, ... Đến đứa con thứ hai, chúng ta dường như tự tin hơn nên cũng thả lỏng hơn, không chăm chăm bảo vệ con quá mức nữa. Chúng ta cũng không còn đủ thời gian để theo sát con như anh/chị của con. Mình đã từng phủ nhận bản thân về điều này, mình khăng khăng mình có thể làm mọi điều tốt nhất cho cả hai bạn nhỏ. Sau cùng, mình phải thừa nhận rằng, “như nhau" là điều không thể. Mình chấp nhận điều đó và mình “thiết kế" lại các hoạt động trong gia đình để tối ưu nhất thời gian cho cả hai bạn.
Liên quan đến thứ tự sinh, còn một vấn đề nữa mà bố mẹ hay mắc phải. Chúng ta có xu hướng đặt kỳ vọng cao hơn, giao nhiều trách nhiệm hơn cho người con đầu và thoải mái hơn với các bạn em. Sự khác biệt này có thể khiến đứa lớn cảm thấy áp lực làm anh/chị trong khi đứa nhỏ thì “làm biếng" và lệ thuộc hơn. Mình không khẳng định 100% các tình huống đều như vậy, nhưng hãy để ý đến vấn đề này để tránh sự phân chia trách nhiệm không đồng đều.
Sự khác biệt về giới tính giữa những đứa con
Các định kiến và khuôn mẫu về giới đang dần được gỡ bỏ nhưng xét cho cùng, một vài quy luật bất thành văn dường như vẫn còn in sâu trong tiềm thức của chúng ta. Nó khiến chúng ta đối xử với những đứa con khác giới của mình một cách khác nhau.
Chẳng hạn, đối với phân chia công việc trong gia đình, bố mẹ có xu hướng giao cho con trai những việc như đổ rác, bưng bê và giao cho con gái gấp quần áo, rửa chén bát. Thay vì thế, hãy để trẻ thay phiên nhau làm những công việc này, quan trọng là phù hợp với lứa tuổi. Khi lớn hơn, bạn có thể để các con tự thoả thuận với nhau, tự phân chia công việc. Chỉ cần mọi việc được hoàn thành, con gái hay con trai làm không quan trọng.
Sự khác biệt giới tính còn ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con theo một cách khác. Bố mẹ thường mong đợi, kỳ vọng khác nhau về cách bé trai và bé gái ứng xử hay thể hiện cảm xúc. Chẳng hạn, một vài bố mẹ sẽ thấy khó khăn, khó chấp nhận khi con trai mình khóc nhưng lại thấy đồng cảm hơn khi con gái mình rơi vài giọt nước mắt. Điều này khiến các con bối rối trong việc thể hiện cảm xúc của mình và sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu bạn có một bé trai nhạy cảm. Con sẽ dễ rơi vào trạng thái ức chế vì không thể hiện được cảm xúc, sẽ bị các anh chị em khác trêu chọc, …
Mình biết các bố mẹ ngày nay phần lớn đều đã gạt bỏ những quan niệm cũ về giới nhưng chúng ta vẫn cần lưu ý để tránh nuôi dạy con theo khuôn mẫu nam/nữ.
Sự khác biệt đến từ những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt
Trong một vài gia đình, sẽ có những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt hơn những đứa trẻ khác (con có thể chất yếu, hay đau ốm; con quá nhạy cảm và nhu cầu được quan tâm cao; con mắc chứng tự kỷ, …). Khi gia đình có đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt, sẽ có những bất bình đằng cố hữu, tự nhiên và có thể dự đoán được.
Con có nhu cầu đặc biệt, con cần được quan tâm nhiều hơn, tiêu tốn nhiều thời gian và sức lực của bạn hơn là điều tự nhiên. Nhưng, bạn cần dạy và cần trao đổi nhiều hơn với những đứa con còn lại về sự đồng cảm, sự giúp đỡ, tình yêu thương. Đồng thời, bạn vẫn phải dành thời gian riêng tư cho những đứa con khác, cho con cảm giác được yêu thương. Ngoài ra, những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt cũng cần phải được dạy về ranh giới, quy tắc chứ không phải “con có thể làm bất cứ điều gì con muốn". Chỉ có thế, các con mới không nảy sinh sự so sánh, sự ghen tỵ và thậm chí là sự oán giận.
Hiểu đúng về sự “công bằng” giữa những đứa trẻ
Trong một gia đình có từ hai con trở lên, bố mẹ luôn muốn duy trì sự công bằng để các con cảm thấy được yêu thương như nhau, được đối xử đồng đều. Vấn đề là, bố mẹ cần hiểu đúng về công bằng.
Công bằng ở đây không có nghĩa là anh/chị có gì, em sẽ có thứ đó. Nó không phải kiểu anh mua một đôi giày mới thì em cũng phải có một đôi. Không phải chị được tặng một con gấu bông thì em cũng có một con gấu bông giống hệt (cho dù chưa chắc em đã thích). Không phải anh được ăn kem thì em cũng được như thế.
Sự công bằng giữa những đứa con nên được hiểu là bố mẹ đáp ứng nhu cầu (những gì con cần) của một đứa trẻ chứ không phải cho các con những thứ giống hệt nhau.
Bằng cách hiểu và đáp ứng nhu cầu riêng biệt của con, chúng ta dạy con cách quay vào bên trong, nhận biết nhu cầu của chính mình, thay vì nhìn ra bên ngoài và so sánh với người khác; dạy con biết mình cần gì hơn là nhìn vào những gì người khác có. Chắc chắn, bạn sẽ không muốn con mình suốt ngày chăm chăm so đo “sao anh có món đồ chơi đó mà con không có", “sao em được ăn kem mà con lại không". Và một tương lai xa hơn, bạn chắc chắn không muốn con mình sẽ nhìn sang bạn bè và đòi hỏi “sự công bằng: “con muốn có chiếc cặp siêu nhân như bạn" hay “con muốn mình đến trường bằng ô tô như bạn".
Trong những tình huống con muốn “sự công bằng", hãy ghi nhận cảm xúc của con và đánh giá sự cần thiết của điều con yêu cầu thay vì cứ thế đáp ứng giống hệt nhau.
Chẳng hạn: Hôm nay mẹ đưa em đi ăn kem mà không có con. Con cũng muốn đi ăn kem, mẹ phải đưa con đi.
Thay vì đồng ý ngay trên danh nghĩa “công bằng": “uhm, mai mẹ sẽ đưa con đi", hãy xác nhận đúng những gì con mong muốn
- Mẹ: con muốn đi ăn kem với mẹ ah
- Con: dạ, hôm nay em được ăn kem mà
- Mẹ: ngày mai mẹ con mình có thời gian đi chơi với nhau đấy, con muốn đi ăn kem lúc đó không hay con muốn làm gì khác cùng nhau?
- Con: có thể mình sẽ đi công viên mẹ ah, con thích đi công viên hơn
- Mẹ: vậy mình đi công viên nhé.
Hay trong một tình huống khác: Anh có một đôi giày mới, mẹ cũng phải mua cho con một đôi giày mới.
Thay vì trả lời ngay: “uhm, mai mốt mẹ cũng sẽ mua cho con giày mới" hay “có gì mà con khóc toáng lên thế, tháng trước mẹ vừa mua cho con một đôi dép siêu nhân mà". Hãy xác nhận cảm xúc của con và hướng con đến những nhu cầu thật sự: Mẹ biết, con buồn vì anh có giày mới mà con không có. Không sao, cảm thấy như vậy là bình thường mà. Đôi giày của anh bị đứt nên cần phải mua mới, đôi giày của con vẫn lành lặn con ah.
Vậy đấy, đừng cố gắng theo đuổi sự “công bằng", sự như nhau giữa những đứa con. Nhưng tóm lại, cần ghi nhớ:
Tránh những “cái bẫy" một cách vô tình về sự khác biệt khi nuôi dạy con để lập lại sự cân bằng giữa những đứa con.
Hiểu đúng về sự công bằng
Hãy yêu thương con và đối xử với con dựa trên bản tính, nhu cầu riêng của con, bố mẹ nhé.
Tài liệu tham khảo:
https://www.verywellfamily.com/do-you-become-a-different-parent-for-each-child-4797505
Sách “Good inside" - Dr Becky Kennedy
Mình là My, mình tìm hiểu và thực hành về làm cha mẹ thấu hiểu. Bạn có thể kết nối với mình qua:
Facebook: facebook.com/hoangmy.truong
Email: hoangmywriter@gmail.com
Và đừng quên nhấn “subscribe” để nhận được bản tin vào mỗi thứ 3 hàng tuần nhé. Cảm ơn các bạn đã hiện diện ở đây.
chúng ta dạy con cách quay vào bên trong, nhận biết nhu cầu của chính mình > câu chốt của bài viết nàng nhé